Tân chính Cách_mạng_Ngoại_Mông_1911

Đại Thanh khoảng năm 1900

Triều Thanh do người Mãn lập nên, họ thực hiện các nỗ lực nhằm giữ sự thuần chủng của dân tộc mình trước người Hán. Những nhà lãnh đạo người Mãn ban đầu ban hành nhiều pháp luật nhằm cô lập Mãn Châu với Trung Quốc bản thổ và Mông Cổ.[1] Họ cũng làm điều tương tự với người Mông Cổ: người Hán bị cấm vào Mông Cổ và người Mông Cổ không được phép đi ra ngoài minh/bộ của họ. Người Mông Cổ bị cấm nói tiếng Trung hoặc thông hôn với người Hán. Theo thời gian, việc thi hành bị suy giảm, song các điều luật vẫn còn tồn tại về hình thức mà ít được tuân thủ.

Nửa sau thế kỷ 19, chủ nghĩa đế quốc phương Tây biến đổi các ưu tiên chính trị tại Đại Thanh. Triều Thanh thất bại trong Chiến tranh Thanh-Nhật năm 1895, tiếp đến là người Đức chiếm Sơn Đông và tình trạng "tranh giành tô giới". Vận động Nghĩa Hóa Đoàn và đặc biệt là Chiến tranh Nga-Nhật được hiểu phổ biến tại Đại Thanh như một chiến thắng của chủ nghĩa hợp hiến trước chế độ chuyên quyền. Đó cũng là lúc các cải cách kinh tế, chính trị, và quân sự sâu rộng mang tên "Tân chính" được hạ lệnh.

Đến đầu thế kỷ 20, Mông Cổ là một khu vực nghèo khổ, ảnh hưởng từ cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế này. Việc thất thu thuế từ miền Nam Đại Thanh trong cuộc nổi dậy và chi phí trấn áp khiến nhân khố triều Thanh cạn kiệt. Thay vì nộp vật nuôi như truyền thống, vàng trở thành phương tiện chính để nộp thuế đối với người Mông Cổ.[2] Nguồn vàng chủ yếu của người Mông Cổ là từ việc vay mượn của các thương nhân người Hán. Những khoản vay này có lãi suất rất cao, và được hoàn trả bằng vật nuôi, chúng sau đó được đưa đến Trung Quốc bản thổ. Kết quả là việc suy giảm nghiêm trọng quy mô đàn gia súc vốn là sinh kế của người Mông Cổ.[3]

Tuy nhiên, tại Ngoại Mông, Tân Chính có phần khác biệt, mục đích không chỉ là hiện đại hóa giống như tại các lãnh thổ của người Hán, mà còn là đồng hóa văn hóa. Hành động Nga xâm chiếm bán đảo Liêu Đông vào năm 1898 và sau đó là miền bắc Mãn Châu vào năm 1900 kích động những lo sợ của triều đình Thanh trước một ý định lớn hơn của người Nga trên toàn bộ biên giới phía bắc của mình. Những nhà lãnh đạo của triều đình Thanh cho rằng việc duy trì tình nguyên vẹn của quốc gia phụ thuộc vào tính hiệu quả của vùng biên thùy trong vai trò bảo vệ Trung Quốc bản thổ.

Do đó, từ năm 1901 đến năm 1910, triều đình Thanh cho thi hành một kế hoạch quy mô lớn nhằm định cư người Hán tại khu vực biên thùy và tái tổ chức các chính phủ bản địa (song việc người Hán khai hoang đất đai Nội Mông bắt đầu sớm hơn nhiều). Một chiếu chỉ vào năm 1910 bãi bỏ những cấm chỉ cũ về việc người Hán định cư tại Ngoại Mông, thông hôn giữa người Hán và Mông Cổ, và người Mông Cổ sử dụng tiếng Trung, là bước cuối cùng nhằm tháo dỡ bức tường cô lập do người Mãn dựng lên từ vài thế kỷ trước đó.[4]

Đầu năm 1910, triều đình Thanh bổ nhiệm nguyên Quy Hóa phố đô thống Tam Đa làm Khố Luân biện sự đại thần, để thi hành Tân chính. Ông lập tức cho tổ chức 20 cơ cấu nhằm giám sát các vấn đề như quân sự, thuế, cảnh sát, cai trị, và thương nghiệp. Các kế hoạch được tiến hành nhằm đưa nông dân người Hán đến định cư tại Ngoại Mông. Tháng 1 năm 1911, Đường Tại Lễ nhậm chức Khố Luân binh bị xứ tổng biện, giám sát việc thành lập một quân đội Mông Cổ, một nửa trong số đó gồm các mục dân Mông Cổ, một doanh trại với 400 buồng được dựng lên gần Khố Luân. Người Mông Cổ nhận thấy những điều này là một mối đe dọa đến sự sinh tồn của họ, họ gửi một tấu chương cho triều đình Thanh rằng người Mông Cổ không nhận được lợi ích gì trong nhiều chiếu chỉ được ban hành, mong muốn được sinh hoạt theo phong tục truyền thống.[5] Thuộc hạ và đội hộ tống của Đường Tại Lễ tỏ ra ngạo mạn và hung ác.[6]

Chưa đầy một tháng sau khi Tam Đa đến, một vụ ẩu đả nổ ra giữa một số các lạt ma say rượu và người Hán tại một cửa hàng mộc của người Hán tại Khố Luân. Những sự cố như vậy không phải chưa từng xảy ra, song họ bị quan viên triều Thanh trấn áp kiên quyết. Khi Tam Đa đến chùa Cam Đan, là chùa chính tại Khố Luân, để tiến hành bắt giữ, các lạt ma ném đá vào ông ta cùng binh sĩ, buộc họ phải rút đi. Tam Đô yêu cầu rằng Jebstundamba Khutuktu (Triết-bố-tôn-đan-ba Hô-đồ-khắc-đồ), lãnh đạo tinh thần tại Khố Luân của người Mông Cổ, giao một lạt ma cụ thể được cho là người cầm đầu sự kiện. Jebstundamba Khutukhtu từ chối và bị Tam Đô trừng phạt. Đáp lại, người Mông Cổ dâng tấu thỉnh cầu triều đình Thanh loại bỏ Tam Đa, song không thành công.[7]